QC Dạ khúc: năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông của An Lý

Thảo luận trong 'Quảng cáo tổng hợp' bắt đầu bởi thachhoangtuan, 16/10/17.

  1. thachhoangtuan PageRank 1 Member

    Tham gia ngày:
    11/8/16
    An Lý là người dịch tập truyện ngắn Dạ khúc: năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông của tác giả Kazuo Ishiguro sang tiếng Việt. Không những thế, cô còn là người yêu thích tác giả Anh gốc Nhật, tìm đọc tất cả những tác phẩm mà nhà văn này cho xuất bản.

    Ngay khi Kazuo Ishiguro được tôn vinh tại Nobel Văn học 2017, An Lý đã có những chia sẻ về văn chương của tác giả, quá trình dịch tập truyện ngắn Dạ khúc: Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông.

    - Cảm xúc của An Lý ra sao khi biết tin Kazuo Ishiguro được giải Nobel?

    - Dĩ nhiên tôi rất vui. Đang mải cá cược với bạn bè xem liệu có phải là Amos Oz hay Margaret Atwood nhưng hoàn toàn tin rằng giải thưởng sẽ lại về tay một người mà độ phủ sóng hạn hẹp của mình chưa với tới.

    Khi nghe Viện hàn lâm Thụy Điển công bố, tôi đã phải chờ nghe lại để rõ là không lầm. Một bất ngờ, nhưng thú vị hơn nhiều bất ngờ của năm ngoái.

    Ishiguro thuộc về số tác giả mà tôi phấn đấu làm một "completist", nghĩa là đọc hết mọi cuốn sách mà ông cho xuất bản. Tôi nghĩ ông là một người viết kỳ lạ: nếu đọc hết sách của ông, người ta sẽ bị cuốn vào thế giới của ông khó dứt ra được, nhưng khi quan sát riêng lẻ từng cuốn sách, có thể ấn tượng sẽ không nhiều.

    Những cuốn lạ và độc đáo nhất của ông lại không hoàn hảo nên khó được ưu tiên chọn dịch, còn những cuốn phổ biến nhất lại thường mang lối viết đơn giản một cách lừa dối. Một số quyển tôi đọc đến lần thứ hai mới tạm gọi là hiểu, mà với tốc độ xuất hiện sách mới và hay của thời này thì mấy ai có thời gian dành cho một cuốn sách ít ấn tượng đến lần thứ hai?

    - An Lý có nhận xét gì về giải thưởng dành cho Ishiguro của Ủy ban Nobel?

    - Về giải thưởng thì tôi cũng không có gì để góp vào khúc đồng ca đang phán xử râm ran tối nay và những ngày tiếp theo. Tôi chỉ hy vọng đây sẽ là động lực để thêm nhiều người để ý đến tên tác giả, tìm đọc sách, và các nhà xuất bản chóng ra sách mới, đặc biệt là cuốn làm nên tên tuổi ông, The Remains of the Day đã đoạt giải Booker 1989.

    Nghe nói cuốn Mãi đừng xa tôi do anh Trần Tiễn Cao Đăng dịch cũng sắp được tái bản, đấy là một bước giới thiệu tốt cho độc giả nào muốn bắt đầu tìm đọc Ishiguro.

    - Điều gì khiến An Lý dịch cuốn "Dạ khúc: Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông"?

    - Như hầu hết mọi người dịch những cuốn sách khác: do nhà xuất bản mời và tôi đồng ý.

    - An Lý cảm nhận thế nào về nội dung và văn phong của Kazuo Ishiguro trong tập truyện ngắn này?

    - Vì sách dịch cũng đã lâu, sợ rằng cảm xúc không được như ban đầu, nên tôi sẽ chép lại ở đây những dòng tôi viết ban đầu khi sách sắp ra mắt.

    Xuất hiện trong Dạ khúc là một dàn nhân vật “toàn cầu” với những câu chuyện đặt trong những bối cảnh khác nhau. Một nhạc công ghi ta quê Đông Âu chật vật tìm chỗ đứng ở quảng trường Venice. Một nhóm bạn bè đại học gặp lại nhau ở London khi tuổi trẻ đã gần cạn, nhớ lại thời sinh viên xa xôi giữa tình yêu âm nhạc và những say mê lý tưởng.

    Xem thêm: Các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh

    Một nhạc sĩ trẻ trốn nền công nghiệp âm nhạc London về khu đồi Malvern của tuổi thơ mình, tình cờ gặp gỡ cặp vợ chồng nhạc công Thụy Sĩ. Một tay kèn saxo Mỹ tài cao nhưng phận thấp, đụng độ giới giao tế trong khách sạn ở Beverly Hills. Một nghệ sĩ cello Hungary ôm mộng thiên tài giữa lúc dùng tiếng đàn kiếm miếng ăn...

    Những con người thuộc những giai tầng xã hội rất khác, được kết nối với nhau, và với người đọc, bằng âm nhạc - thứ ngôn ngữ quốc tế chung cho mọi tâm hồn.

    Nhưng đó không phải thứ âm nhạc công cộng hoành tráng hay âm nhạc thính phòng sang trọng, mà là âm nhạc vào thời khắc lặng lẽ, chiêm nghiệm riêng tư.

    Trong mỗi câu chuyện có sự đụng chạm rất khẽ giữa hai thế giới: thế giới cá nhân nhỏ bé nhưng chân thực, nơi các ước vọng hoài bão còn ấp ủ, và thế giới của thành công, hào nhoáng, nơi các ước vọng đã thành hiện thực, nhưng cũng có quá nhiều điều có thể mất đi.

    Nỗi lưu luyến của mỗi nhân vật với thế giới thứ nhất, và khao khát nhưng e dè trước thế giới thứ hai, khiến ta nhớ lại bài hát của cô bé trong Mãi đừng xa tôi, và khiến mỗi câu chuyện đều nhuốm một vẻ buồn rầu dịu ngọt.

    - Quá trình dịch cuốn “Dạ khúc” An Lý gặp khó khăn, thuận lợi gì? Chị giải quyết những vấn đề khi dịch sách ra sao?

    -Như với mọi cuốn sách khác: nhờ các công cụ tra cứu để tìm hiểu những gì mình chưa biết và nhờ con mắt sắc của biên tập viên để đỡ những gì mình bỏ sót.

    Các nhạc công, nhạc sĩ của Dạ khúc nói nhiều về những khía cạnh kỹ thuật của âm nhạc mà tôi không nắm rõ, hoặc thậm chí tiếng Việt không có từ để dùng, nhưng may mắn là bản dịch đã được anh Cao Việt Dũng đọc rất kỹ lượt cuối trước khi xuất bản, và chỉnh thêm kha khá về thuật ngữ.

    Một cuốn sách nhỏ và thật ra không được quan tâm vào thời điểm ấy (cũng như bây giờ) lại được anh chăm chút như vậy, tôi cảm thấy rất biết ơn, có lẽ cũng vì thanh khí giữa người đọc và người viết mà ra.

    Ngoài ra, tất nhiên, sự phong phú của tư liệu đa phương tiện trên mạng vào thời đại này luôn là lợi thế quý báu với mỗi người dịch. Các nhân vật trong Dạ khúc đến từ, và đi khắp châu Âu; mỗi lần sang một bối cảnh mới, tôi có thể triền miên trên YouTube nhiều tiếng liền không chỉ để xác định xem Jan và Tibor chơi đàn ở góc nào trên quảng trường Venice, hay Tilo và Sonja sẽ nhìn thấy gì trên khu đồi Malvern, mà tìm cách hình dung mình sống trong không khí ấy.

    Dịch cuốn sách mỏng này đối với tôi giống như được du lịch trong cả không gian lẫn trong âm nhạc, bởi vừa nghe một playlist những bài hát được kể tên vừa đọc (lại) cuốn sách, sẽ biến đổi hẳn trải nghiệm đọc, cho bạn hiểu một cách trực tiếp mà không cách tưởng tượng nào thay thế được cảm xúc của các nhân vật, cũng như hiểu rằng mỗi câu chuyện đọc lướt qua trên mặt giấy có thể hao hao nhau, nhưng khi bật nhạc, sẽ mang những "vị" hoàn toàn khác nhau.

    - An Lý đánh giá thế nào giá trị của tập truyện ngắn này?

    - Những truyện ngắn trong Dạ khúc được viết dần dà trong quãng thời gian Ishiguro loay hoay với ý tưởng về Người khổng lồ ngủ quên, vừa để đổi gió vừa như ghi nhớ giấc mơ thời trẻ. Rất nhiều kinh nghiệm của các nhạc sĩ trẻ đang tìm đường sống với nghề trong đó cũng là kinh nghiệm của chính ông. Và bạn đọc đi theo những bài hát của ông, như đã nói ở trên, cũng giống như được ông hướng dẫn qua một khóa học lịch sử âm nhạc cấp tốc.

    Vì thế, trước hết, cuốn sách là một bài tụng ca mỏng nhưng không hề nhỏ dành cho tình yêu âm nhạc. Sau Dạ khúc, đọc (lại) những cuốn khác của ông, tôi mới nhận ra âm nhạc được cài cắm trong những thời điểm kịch tính ở khắp nơi, về điểm này thì cũng giống nhà văn "người Nhật gốc Nhật" trên cửa miệng mọi người mỗi khi tháng Mười tới (ý dịch giả nhắc tới Haruki Murakami – pv).

    Thêm nữa, Dạ khúc là cuốn sách duy nhất tới thời điểm này của Ishiguro không đặt trên cái nền lịch sử hay kỳ ảo mà thuộc bối cảnh tạm gọi là "hiện thực". Không chỉ khiến người đọc tưởng chừng gần gũi với tâm sự thật của tác giả hơn, đây còn là một thử thách khi tước hết những yếu tố quyến rũ bề ngoài, lại thêm khó khăn khi là tập truyện ngắn.

    Thiếu không gian tung tẩy của tiểu thuyết, khó triển khai một cốt truyện nhiều cung bậc thăng trầm vốn là cái hấp lực chính đưa đẩy độc giả đi theo câu chuyện, truyện ngắn do đó thường được coi là hòn đá thử vàng cho tài năng của nhà văn, buộc phải tỏa sáng bằng chính lối viết của mình.

    (Cả ở Việt Nam hiện nay, khi việc chọn sách thường bắt đầu từ đề tài và cốt truyện nếu không phải từ giới thiệu của cộng đồng hoặc bán đồng giá, dường như truyện ngắn ít được chú ý hơn tiểu thuyết, ví như tập Người ăn chay của Han Kang, hay Chuyện kể trăng nghe của Shin Kyung Sook mà cá nhân tôi thấy là viết tốt hơn cả ba cuốn tiểu thuyết của bà đã xuất bản. Hy vọng với cuốn Đọc truyện ngắn mà Tao Đàn mới xuất bản, tình hình sẽ có gì thay đổi chăng.)

    Về điểm này thì, Dạ khúc xứng đáng là một ví dụ cô đọng những điểm thú nhất của người đọc Ishiguro, như là những biến đổi tinh tế trong tâm lý nhân vật và giao tiếp giữa các nhân vật, những tình huống dở khóc dở cười và cái uy mua Anh không dễ nhận ra, hoặc sự pha trộn kiểu Shakespeare giữa cái thăng hoa và cái tầm phàm bá láp. Có nhiều tình huống hoặc câu nói, khi đọc cảm thấy nhẹ bẫng, nhưng cả bây giờ sau bảy năm tôi vẫn nhớ lại để đau xiết hoặc rùng mình.

    - Một số ý kiến cho rằng văn phong của Kazuo Ishiguro trong tiểu thuyết “Mãi đừng xa tôi” khác biệt hoàn toàn thứ văn chương của tập truyện ngắn “Dạ khúc”. An Lý nghĩ sao về nhận xét đó?

    - Thật ra, trong quá trình sáng tác của Ishiguro, Mãi đừng xa tôi đã là cuốn tiểu thuyết thứ sáu. Nếu đi theo từng cuốn sách, người đọc sẽ thấy không có cái gọi là "văn phong Ishiguro" cố định, mà ông giống như một con phượng hoàng/tắc kè bông, mỗi lần bắt tay vào cuốn sách mới là một thử thách mới trong trò chơi tự đặt ra cho mình.

    Ngay cả thể loại cũng nhiều khi là thể nghiệm, khiến người đọc bước vào mỗi cuộc hẹn hò giấu mặt không thể dựa vào những gì mình đã biết, và ông - dù thành công đến đâu - luôn có ý thức viết theo giọng nhân vật của mình.

    Vì thế, cùng là cái bức bối, nhưng cô bé mới lớn sống trong cộng đồng biệt lập với xã hội trong Mãi đừng xa tôi, hay người quản gia lạc thời đại trong The Remains of the Day, hay ông già chìm giữa màn sương trung cổ trong Người khổng lồ ngủ quên, sẽ có cách bức bối rất khác nhau. Và dĩ nhiên sẽ khác những người, dù chưa trọn vẹn, nhưng đang trong độ trẻ tuổi sống với niềm say mê nghệ thuật của mình, trong Dạ khúc.

    - Kazuo Ishiguro là người Anh gốc Nhật, các truyện ngắn trong tập cũng được viết ở nhiều bối cảnh, địa danh khác nhau. An Lý nhận xét gì về tính phổ quát, xuyên quốc gia trong văn chương Kazuo Ishiguro?

    - Thực tế, sau hai cuốn sách đầu tiên lấy bối cảnh Nhật theo lời khuyên của nhà xuất bản (dẫn đến một cơ số lỗi sai về lịch sử văn hóa hẳn sẽ gây nhiều chỉ trích nếu xuất bản vào thời điểm này) thì Ishiguro đã hoàn toàn ôm trọn tư cách một nhà văn Anh từ The Remains of the Day.

    Thiên nhiên Anh, cá tính Anh, các vấn đề của nước Anh, và gần đây nhất là truyền thuyết và lịch sử Anh quốc trong Người khổng lồ ngủ quên, đã trở thành chất liệu trong các tiểu thuyết của ông, một cách chắc chắn biến thành sở hữu của ông và biến ông trở thành người phát ngôn trong thế hệ nhà văn Anh hiện đại.

    Thật ra Dạ khúc lại chứa nhiều dấu ấn để lại của tuổi thơ di dân cùng quá trình hòa nhập của Ishiguro nhất, với rất nhiều nhân vật là dân nhập cư từ Đông Âu về trung tâm châu Âu, hoặc từ quê lên đô thị London hay Los Angeles, hoặc đơn giản là từ những tầng xã hội thấp nhất muốn lên tới đỉnh cao của nghệ thuật và danh vọng (fan của La La Land hẳn sẽ thấy rất nhiều đồng cảm).

    Thứ xuyên quốc gia duy nhất trong những câu chuyện này là âm nhạc, nhưng nếu để ý kỹ, âm nhạc ấy cũng có một cấu trúc lệch vô cùng rõ, với Great American Songbook và nhạc thính phòng châu Âu đóng vai tâm chính mà cả thế giới bị hút về.

    Điều phổ quát của Ishiguro, nếu có, là ở chỗ cũng như mọi nhà văn lớn đi đến cái phổ quát từ những hình hài cụ thể, ông nói về điều mà ông tri nhận là thân phận cơ bản của con người, một thân phận không ngừng vùng vẫy, không ngừng rơi rụng, mặc dù điều ấy chỉ như một nốt nghịch âm bên lề rất khó nhận thấy trong tập truyện ngắn có vẻ nhẹ nhàng này.

    Thông tin về tác giả:

    An Lý là một dịch giả trẻ, nhưng sở hữu khối tác phẩm dịch không hề nhỏ. Một số tác phẩm do An Lý chuyển ngữ được nhiều độc giả biết tới như: Chuyện người tùy nữ, Tay sát thủ mù (Margaret Atwood), phần thơ và phụ lục trong Chúa tể những chiếc nhẫn...

    An Lý còn là người biên tập cho bản dịch một số cuốn sách như Lolita (Nabokov), Thời nắng lịm (Eugen Ruge)...
     
    #1

Chia sẻ trang này